Nhằm chia sẻ kiến thức về vấn đề liên quan đến suy giảm nguồn tài nguyên nước dưới đất và sụt lún tại đồng bằng sông Cửu Long đến các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và các cán bộ trẻ. Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Viện DRAGON-Mekong) - Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với tổ chức Arcadis (Hà Lan) dưới sự tài trợ của Netherlands Enterprise Agency sẽ tổ chức seminar trực tuyến với chủ đề “Quản trị về sụt lún đất và quản lý nước dưới đất tại đồng bằng sông Cửu Long dành cho cán bộ, thanh niên trẻ”.(diễn ra vào ngày 25/12/2021).

Seminar “Quản trị về sụt lún đất và quản lý nước dưới đất tại đồng bằng sông Cửu Long dành cho cán bộ, thanh niên trẻ”

Tham dự hội thảo có các nhà khoa học trong các lĩnh vực kỹ thuật, quản lý tài nguyên nước, địa chất và các lĩnh vực khác có liên quan đến quản trị và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Bách khoa Tp. HCM, Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Trường Đại học Tây Đô, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông thôn. Ngoài ra còn có sự tham gia của các bạn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và cán bộ trẻ đến từ nhiều nơi trong ĐBSCL.

Mở đầu Seminar, PGS. TS. Văn Phạm Đăng Trí - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu đã giới thiệu sơ lược về buổi seminar. PGS. TS. Văn Phạm Đăng Trí trình bày sơ lược về tinh thần của buổi seminar, cũng như có bài báo cáo về “Khai thác nước dưới đất và sụt lún. Vấn đề về quản lý kỹ thuật và quản lý ĐBSCL” bàn về những vấn đề về quản trị sụt lún đất và quản lý nước dưới đất ĐBSCL hướng tới sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

PGS. TS. Văn Phạm Đăng Trí - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu phát biểu khai mạc seminar

 

PGS. TS. Văn Phạm Đăng Trí - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu báo cáo về “Khai thác nước dưới đất và sụt lún. Vấn đề về quản lý kỹ thuật và quản lý ĐBSCL”

Buổi seminar cũng có sự tham gia chia sẻ các thông tin liên quan đến quản trị sụt lún đất, quản lý tài nguyên NDĐ, cũng như Kinh tế tuần hoàn liên quan đến phát triển tài nguyên nước bền vững tại ĐBSCL từ các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan.

TS. Hà Quang Khải - Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh báo cáo về “Thực trạng khai thác nước dưới đất và thách thức đến phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long”

 

PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân - Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn báo cáo về: “Kinh tế tuần hoàn trong bảo vệ và phát triển tài nguyên nước vùng ĐBSCL”

PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ tham gia góp ý trao đổi các vấn đề liên quan đến suy giảm nguồn tài nguyên nước dưới đất và sụt lún tại đồng bằng

Thông qua kết quả của seminar, một số giải pháp đã được đưa ra, bao gồm:

  • Sử dụng kết hợp nước dưới đất, nước mưa, nước mặt trong từng trường hợp cụ thể để tối ưu hiệu quả việc sử dụng và khai thác nguồn tài nguyên nước.
  • Bổ cập nhân tạo NDĐ bằng cách bơm nước mưa, có thể làm oxy hóa pyrite làm tầng ngậm nước bị ô nhiễm kim loại nặng. Nên cần tính toán kỹ càng trước khi thực hiện giải pháp này.
  • Các giếng khai thác nhỏ khó quản lý, kỹ thuật khoan kém và có thể gây vận chuyển chất ô nhiễm từ bề mặt xuống tầng chứa nước. Bên cạnh đó, việc các giếng khai thác có công suất dưới 10m3/ngày hiện không đăng ký và không được cấp phép cũng cần được quan tâm nhiều hơn và cần có giải pháp cho vấn đề này.
  • Giá trị nước chưa được tính vào chi phí sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản. Nguồn vốn tự nhiên này đang bị khai thác và lạm dụng quá mức. Cần tính giá trị của các nguồn tài nguyên này, tuy nhiên việc này cần đạt được sự đồng thuận của các bên liên quan.
  • Kinh tế tuần hoàn là một phương pháp tiếp cận tiềm năng, tuy nhiên hiện nay phương pháp này chưa thực sự liên quan đến quản trị nguồn nước, đề xuất phát triển các nghiên cứu liên quan mật thiết hơn giữa kinh tế tuần hoàn và tài nguyên nước trong tương lai.
  • Nên khôi phục lại những vùng trũng giữ nước, các hồ chứa nước, thay đổi cơ cấu sản xuất, tăng cường trữ nước ở vùng bán đảo Cà Mau để người dân có nước ngọt sử dụng trong mùa khô.
  • Đê bao 3 vụ ở các vùng trũng hiện nay đang có nhiều tác động tiêu cực như làm ô nhiễm nước mặt, người dân trong khu vực này phải khai thác nước ngầm để sử dụng. Cần xem xét ưu nhược điểm của các giải pháp đang áp dụng trong nhiều năm nay để có các giải pháp mới hiệu quả và bền vững hơn.
  • Một số đối tượng chưa tiếp cận được các chính sách, giải pháp cùng các kiến thức khoa học. Ưu tiên các giải pháp phù hợp để chuyển giao những thông tin cần thiết đến các đối tượng khác nhau, đảm bảo các thông tin này phục vụ được cho cộng đồng và địa phương. Cũng như việc xem xét sự tham gia của các đối tượng dùng nước  vào quá trình nghiên cứu khoa học; xây dựng và thực thi chính sách.

(Tin và Ảnh: Viện DRAGON-Mekong)