Ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường (QLTN & MT) thực hiện tự đánh giá chương trình đào tạo (CTĐT) theo tiêu chuẩn AUN-QA nhằm xem xét lại toàn bộ quá trình đào tạo để nhận ra những điểm mạnh cũng như những tồn tại và hạn chế. Trên cơ sở đó xác định các biện pháp cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển của nhà trường, của xã hội cũng như hội nhập khu vực và quốc tế. Đây cũng là cam kết của Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) với xã hội và nhà tuyển dụng về chất lượng CTĐT. Quá trình thực hiện báo cáo tự đánh giá của CTĐT ngành QLTN & MT được thực hiện theo Kế hoạch số 814/KH-ĐHCT-QLCL ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Hiệu trưởng Trường ĐHCT và Kế hoạch số 1134/KH-ĐHCT-MT&TNTN, ngày 25 tháng 4 năm 2022 của Trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên (MT & TNTN).

Báo cáo tự đánh giá CTĐT ngành QLTN & MT được tổ chức thành các phần như sau:

  • Phần I: Phần giới thiệu (mô tả tóm tắt báo cáo TĐG; tổ chức thực hiện; giới thiệu Trường/Khoa/Bộ môn/CTĐT).
  • Phần II: Sự đáp ứng những yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn AUN-QA của chương trình.
  • Phần III: Phân tích điểm mạnh, điểm yếu và kế hoạch cải tiến.
  • Phần IV: Cung cấp danh sách các minh chứng và tài liệu liên quan báo cáo TĐG

Các nội dung chính trong báo cáo:

  • Liên quan đến chương trình đào tạo (từ tiêu chuẩn 1 đến tiêu chuẩn 4):

CTĐT ngành QLTN & MT bắt đầu từ năm 2008, với 138 tín chỉ (111 tín chỉ bắt buộc và 27 tín chỉ tự chọn, tốt nghiệp sau 4 năm) được giảng dạy cho các khóa 34 và 35. Sau bốn lần sửa đổi, CTĐT ngành QLTN & MT hiện nay bao gồm 161 tín chỉ, trong đó 111 tín chỉ bắt buộc và 50 tín chỉ tự chọn (tốt nghiệp sau 4,5 năm). CTĐT ngành QLTN & MT áp dụng cho sinh viên (SV) từ khóa 48, kể từ học kỳ 1 năm học 2022-2023, được thiết kế bao gồm: khối kiến ​​thức chung, kiến ​​thức cơ bản và kiến ​​thức chuyên ngành. Mười ba chuẩn đầu ra của CTĐT được thiết kế phù hợp với mục tiêu giáo dục của Việt Nam, Trường ĐHCT và Khoa MT & TNTN. Các phương pháp dạy và học (PPDH) (dạy trực tiếp, dạy gián tiếp, hoạt động tự học, thảo luận nhóm, học qua tình huống, tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học) và các phương pháp đánh giá (PPĐG) người học (chuyên cần, bài tập, thuyết trình, làm việc nhóm, thi tiểu luận, thi trắc nghiệm, bảo vệ luận văn tốt nghiệp) được thực hiện theo quy trình Plan Do Check Act (PDCA) để đảm bảo đạt được kết quả học tập mong đợi của CTĐT.

  • Liên quan đến nguồn lực (từ tiêu chuẩn 5 đến tiêu chuẩn 7):

Số lượng cán bộ giảng dạy của Khoa MT & TNTN tương đối ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Hiện nay, Khoa MT & TNTN có tổng số 48 cán bộ giảng dạy, trong đó có 01 Giáo sư, 16 Phó Giáo sư, 17 Tiến sĩ, 14 thạc sĩ. Về học vị, 100% giảng viên (GV) có trình độ sau đại học. Cơ sở vật chất của trường và khoa phục vụ tốt việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu và thường xuyên được nâng cấp từ các nguồn kinh phí trong và ngoài nước đặc biệt là từ nguồn vốn ODA.

  • Liên quan đến Đầu ra và kết quả đạt được (tiêu chuẩn 8):

Trong giai đoạn từ 2018-2022, tỷ lệ thôi học có xu hướng giảm nhẹ, số lượng sinh viên tốt nghiệp (SVTN) mỗi khóa đều đạt 100% và hầu hết đều có việc làm hoặc tiếp tục học tập nâng cao trình độ ở bậc sau đại học. Trên 95% nhà sử dụng lao động (NSDLĐ) hài lòng về chất lượng của người lao động được đào tạo từ Trường ĐHCT. Bên cạnh đó, kiến thức chuyên môn và các kỹ năng của SVTN được cả cựu sinh viên (CSV) và NSDLĐ đánh giá có thể đáp ứng công việc.

 

Báo cáo đầy đủ xem tại đây

Minh chứng báo cáo xem tại đây